Sau gần ba tháng đi ngang ở vùng 92.000 đồng/cp, cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang kịch trần cùng thanh khoản vượt mốc trung bình 20 phiên. Kết thúc phiên giao dịch 27/2, DGC đóng cửa tại mốc 111.600 đồng/cp - tăng 23% sau ba tuần, đồng thời cũng là mức cao nhất 20 tháng qua kể từ tháng 6/2022.
Giá trị vốn hóa Hóa chất Đức Giang tăng thêm gần 7.900 tỷ đồng sau ba tuần, lên hơn 42.383 tỷ đồng (tương đương hơn 1,7 tỷ USD).
Cùng chiều tăng giá, thanh khoản DGC trong ba tuần vừa qua cũng được cải thiện, đạt trung bình gần 4,1 triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, gấp khoảng 2,4 lần so với trung bình 10 phiên trước đó.
Nhìn lại lịch sử, cổ phiếu DGC từng ghi nhận đà tăng phi mã và lập đỉnh lịch sử tại 126.330 đồng/cp (phiên 16/6/2022).
Hóa chất Đức Giang được kỳ vọng hưởng lợi lớn nhờ làn sóng đầu tư chất bán dẫn ở Việt Nam. Các chuyên gia dự báo giá phốt pho vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và axit photphoric sẽ diễn biến tích cực hơn trong 2024, là động lực tăng trưởng chính cho Hoá chất Đức Giang.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7 trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ và nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Dragon Capital cho rằng đây là một sự kiện lịch sử thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam và có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong vài năm tới.
"Tập đoàn FPT (Mã: FPT) và CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn mà chuyến thăm này có thể mang lại", chuyên gia phân tích đánh giá.
Theo báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn đang yếu nhưng có thể hồi phục trong năm 2024.
Tập đoàn TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới dự báo doanh thu năm 2023 sẽ sụt giảm 10% so với năm ngoái. Từ đầu năm 2023, Mỹ và các nước châu Âu duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong khi sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc không đạt kỳ vọng, điều này đã khiến nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn sụt giảm.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận thấy ngành bán dẫn đang phát tín hiệu hồi phục khi doanh thu bán dẫn và khuôn chip (foundry) đang cải thiện từ mức đáy cuối quý I/2023. Vì vậy, đơn vị phân tích này cho rằng nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu sẽ khả quan hơn trong trong năm 2024.
Các tổ chức nghiên cứu gồm World Semiconductor Trade Statistics và Gartner dự báo mức tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 đạt lần lượt 11,8% và 18,5% so với cùng kỳ. Do vậy, KBSV kỳ vọng giá phốt pho vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và axit photphoric cũng sẽ diễn biến tích cực hơn.