Nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đã vững tin hơn kể từ hôm thứ Tư, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất và không thay đổi dự báo có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay...

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/3), với cả ba chỉ số chính cùng đạt mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy. Giá dầu đi xuống vì dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng giảm ở Mỹ và khả năng sắp có một thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 269,24 điểm, tương đương tăng 0,68%, chốt ở mức 39.781,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,23%, đạt 5.241,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, đạt 16.401,84 điểm.

Nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đã vững tin hơn kể từ hôm thứ Tư, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất và không thay đổi dự báo có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, các dự báo cập nhật đầy lạc quan của Fed về tăng trưởng kinh tế và việc làm cũng giữ vai trò chất xúc tác cho thị trường lập kỷ lục mới trong hai phiên liên tiếp.

“Nhà đầu tư lúc này đang rất tin tưởng vào Fed, tin rằng lãi suất sắp được cắt giảm. Chúng ta đang ở vào một vị thế tốt và thị trường tin vào kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế. Bất kỳ những gì mà Fed đang nói đều là những điều mà thị trường muốn nghe”, chiến lược gia trưởng Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets nhận định với hãng tin CNBC.

Triển vọng lãi suất sắp giảm giúp cổ phiếu công nghệ lấy lại vai trò dẫn dắt sự đi lên của thị trường.  Cổ phiếu hãng phần mềm Microsoft tăng gần 1%; Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook tăng hơn 0,4%; cổ phiếu công ty truyền thông xã hội Reddit tăng 48% trong phiên chào sàn.

Cổ phiếu Apple đi ngược xu thế tăng của cổ phiếu công nghệ phiên này, sụt 4%, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào nhà sản xuất iPhone.

Trước phiên tăng này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Tư, trong đó S&P 500 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 5.200 điểm. Dù Fed không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào cho việc giảm lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói tại cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng ông kỳ vọng lãi suất sẽ giảm miễn sao dữ liệu lạm phát tiếp tục đi xuống.

Tuy nhiên, nhà quản lý danh mục đầu tư Julie Biel của công ty Kayne Anderson Rudnick cảnh báo rằng thị trường có thể đang hưng phấn quá mức về khả năng Fed giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.

“Không thể đảm bảo chắc nịch là sẽ có 3 hay 4 đợt giảm lãi suất trong năm nay. Trong dự báo ‘dot plot’ của Fed vẫn còn có sự bất đồng về số lần giảm lãi suất, và có sự chênh lệch lớn về mức lãi suất dự báo cho cuối năm nay và sang cả năm 2025”, bà Biel nhấn mạnh.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 85,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 81,07 USD/thùng.

Số liệu từ báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) cho thấy lượng sản phẩm xăng cung ứng ra thị trường - một thước đo về nhu cầu tiêu thụ xăng ở nước này - giảm dưới mức 9 triệu thùng.

Hôm thứ Tư, giá dầu đã giảm khoảng 2% vì nhiều nhà đầu tư chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất 5 tháng trong phiên trước đó.

Phiên này, giá dầu đương đầu áp lực giảm sau khi có tin Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết Liên hiệp quốc kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza để trao đổi con tin. Chiến tranh giữa Israel và Hamas là một yếu tố hỗ trợ giá dầu thời gian qua, dù nguồn cung dầu từ Trung Đông đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến này.

Căng thẳng địa chính trị được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn còn bấp bênh. Gần đây, đã có những phiên giá dầu tăng mạnh vì Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga.